ĐƯỢC NHẬN THỪA KẾ DI SẢN CỦA VỢ, CHỒNG CŨ KHÔNG?
Khi chia di sản thừa kế, pháp luật quy định thế nào đối với các trường hợp khi đang hoặc đã ly hôn, người vợ, chồng vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế từ chồng, vợ.
Vợ chồng anh trai tôi kết hôn năm 2011 và có một đứa con chung, đến năm 2016 thì vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên chị dâu tôi ôm con về nhà mẹ đẻ ở và yêu cầu chia tài sản chung. Anh chị tôi tự thỏa thuận chia tài sản chia tài sản với nhau. Theo đó anh trai tôi giữ nhà, đất và thanh toán tiền giá trị nhà, đất cho vợ. Sau đó, chẳng may anh tôi bị tai nạn qua đời đột ngột mà không để lại di chúc. Cho hỏi trong trường hợp này, vợ chồng anh tôi đã chia tài sản chung rồi thì bây giờ chị dâu tôi có còn được hưởng thừa kế nhà đất đó không?
Di sản thừa kế là gì ?
Khái niệm di sản thừa kế được hiểu là tài sản của người chết để lại cho những người thừa kế.
Di sản thừa kế bao gồm: tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác; quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và đất đai.
Di sản thừa kế còn bao gồm các quyền và nghĩa vụ tài sản của người chết để lại như: quyền đòi nợ, quyền đòi bồi thường thiệt hại; các quyền nhân thân gắn với tài sản như: quyền tác giả, quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; các khoản nợ, các khoản bồi thường thiệt hại…
Quy định di sản và hôn nhân
Trong trường hợp vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân, tài sản chung của họ có thể được chia theo thỏa thuận của cả hai bên. Tuy nhiên, quy định thừa kế vẫn giữ nguyên, và người còn sống sau khi có sự chấm dứt hôn nhân vẫn được thừa kế di sản của người đã qua đời.
Xác định người hưởng thừa kế
- Thừa kế theo di chúc
Lưu ý trường hợp người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
- Thừa kế theo pháp luật
+ Khi xác định quan hệ cha mẹ nuôi đối với con nuôi thực tế: Sau Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 về nguyên tắc chỉ con nuôi có đăng ký mới được thừa nhận. Trước luật này thì con nuôi thực tế cũng được chấp nhận. Vì vậy cần xác định quan hệ con nuôi được xác lập vào thời điểm nào từ đó xác định quan hệ con nuôi đó có được pháp luật công nhận hay không.
+ Xác định quan hệ vợ chồng: Trường hợp quan hệ vợ chồng không đăng ký những vẫn được thừa nhận theo Nghị quyết 35. Trường hợp một người có nhiều vợ nhưng vẫn được công nhận cụ thể: người đó kết hôn trước khi Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực (trước ngày 13/01/1960) hoặc người đó là bộ đội, cán bộ có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra miền Bắc, lấy vợ, chồng khác theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978. Vì vậy cần xác định thời điểm họ bắt đầu quan hệ như vợ chồng để xác định việc chia thừa kế cho chính xác.
+ Xác định thừa kế thế vị.
“Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Lưu ý: Chỉ cháu chắt của người để lại di sản được hưởng thừa kế thế vị; vợ hay chồng của người con của người để lại di sản không được liệt vào danh sách thừa kế thế vị.
+ Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế.
“Điều 654. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế,
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”
Như vậy nếu giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau thì vẫn được thừa kế di sản của nhau theo hàng thừa kế thứ nhất.
Quy định của pháp luật hiện hành
Thông thường trong quan hệ vợ chồng, thừa kế được thực hiện theo di chúc hoặc theo pháp luật như các quan hệ thừa kế khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt như vợ chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác, pháp luật có quy định riêng để phù hợp với tính chất, mức độ của từng sự kiện. Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế của vợ chồng trong các trường hợp trên như sau:
1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
Từ quy định trên, có thể thấy 3 trường hợp khi nhận thừa kế
- Trường hợp 1: Thừa kế trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung.
Tài sản chung của vợ chồng là tài sản mà vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân bằng sức lao động của mình hoặc được thừa kế chung, tặng cho chung,…ngoài ra vợ chồng có thể sáp nhập tài sản riêng trước thời kỳ hôn nhân vào khối tài sản chung của vợ chồng. Thông thường tài sản chung sẽ được chia khi vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung,…”.
Như vậy, vợ chồng có thể chia tài sản ngay khi đang trong thời kỳ hôn nhân. Khi đó, quyền thừa kế trong trường hợp vợ hoặc chồng chết vẫn được thực hiện như bình thường. Bởi vì, nếu có một người chết sẽ làm phát sinh quan hệ thừa kế, lúc này tài sản của người đã chết được xác định là tài sản riêng.
Như vậy, việc chia tài sản chung được xác định thì không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của người còn lại.
- Trường hợp 2: Thừa kế trong trường hợp vợ chồng ly hôn nhưng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật
Trong bất cứ quan hệ dân sự nào, không chỉ riêng quan hệ hôn nhân, chỉ phát sinh, thay đổi, chấm dứt khi quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật. Vì vậy khi một trong hai người chết trong thời gian hai vợ chồng đang tiến hành thủ tục ly hôn và bản án hoặc quyết định ly hôn của Tòa chưa có hiệu lực pháp luật thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế (căn cứ theo khoản 2 Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015). Lúc này, quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng vẫn còn tồn tại. Bởi lẽ, Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ, quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt vào ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Do đó, người vợ vẫn được hưởng di sản thừa kế từ chồng nếu chồng chết khi hai vợ chồng đang trong thời gian ly hôn.
- Trường hợp 3: Hưởng di sản thừa kế khi đã kết hôn với người khác nhưng thời điểm người để lại tài sản chết vẫn còn quan hệ vợ chồng.
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm mấu chốt làm phát sinh quan hệ thừa kế, là thời điẻm làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người thừa kế. Người thừa kế được xác định tài thời điểm mở thừa kế là người còn sống, có quan hệ gắn bó, gần gũi với người để lại di sản hoặc họ được chỉ định trong di chúc, cũng theo Khoản 3 Điều 655 Bộ luật dân sự 2015 tại thời điểm người kia mất, hai người vẫn là vợ chồng. Vì vậy, thời điểm người chồng cũ chết, quan hệ hôn nhân giữa hai người vẫn tồn tại, nên quan hệ giữa họ và người thừa kế vẫn được pháp luật công nhận. Do đó, vợ, hoặc chồng của người đã chết vẫn được thừa kế di sản của người chết để lại. Như vậy, vợ hoặc chồng của người đã chết tuy sau đó đã kết hôn với người mới nhưng vẫn được hưởng phần di sản từ vợ, chồng cũ.
Ngoài ra, nếu vợ hoặc chồng chết có tài sản chung của họ với người khác thì vợ, chồng của người chết cũng được hưởng thừa kế từ phần sở hữu của chết trong khối tài sản chung này.
Liên hệ để được tư vấn chi tiết
Đối với trường hợp của anh trai bạn, vì anh trai và chị dâu chưa thực hiện thủ tục ly hôn nên 2 người vẫn là quan hệ vợ chồng hợp pháp và vẫn chưa chấm dứt cho đến thời điểm trước khi anh trai bạn mất. Căn cứ Khoản 1 Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015 Như vậy, mặc dù vợ chồng anh trai bạn đã ly thân và chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng chị dâu bạn vẫn là vợ hợp pháp của anh bạn trước thời điểm mở thừa kế nên chị dâu bạn được quyền hưởng một phần di sản thừa kế mà anh trai bạn để lại.
Nếu bạn đang đối mặt với những tình huống phức tạp về thừa kế di sản trong mối quan hệ hôn nhân hoặc ly hôn, hãy liên hệ với GNha. Đội ngũ luật sư và chuyên gia pháp lý của chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn giải quyết mọi vấn đề một cách chuyên nghiệp và đáng tin cậy.
GNha chuyên cung cấp dịch vụ thừa kế trọn gói, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và công sức cho những thủ tục phức tạp.
Với bài viết này, chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và chi tiết về quy định di sản thừa kế trong ngữ cảnh hôn nhân và ly hôn.
Đừng ngần ngại liên hệ nếu bạn cần thêm sự giúp đỡ và tư vấn chi tiết.