4 ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ DI SẢN THỜ CÚNG

9 months ago
Thiết kế chưa có tên.png

Người Việt thường để lại một phần tài sản để thờ cúng khi họ qua đời, theo truyền thống. Nhưng pháp luật quy định như thế nào về việc sử dụng di sản trong lễ thờ cúng? Dưới đây là những điều cần biết.

1. Quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng

Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng.

Như vậy, tài sản để thờ cúng chỉ xuất hiện trong thừa kế theo di chúc, còn trường hợp thừa kế theo pháp luật thì không đặt ra vấn đề tài sản để thờ cúng.

Như vậy thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật được xác định như thế nào?

Thừa kế theo di chúc

Di chúc là gì? Căn cứ tại Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc được trình bày dưới hình thức văn bản hoặc lời nói nhằm thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Vậy về cơ bản di chúc có 03 ý chính như sau:

- Thứ nhất, Di chúc sẽ thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân, không bị chủ thể khác tác động;

- Thứ hai, Di chúc sẽ là minh chứng cho quyền của người đã chết lựa chọn những người thừa kế hợp pháp tài sản của người đã chết, phân chia tài sản theo tỷ lệ mà người có tài sản mong muốn;

- Thứ ba, hiệu lực của di chúc phát sinh khi và chỉ khi người để lại di chúc chết.

Đồng thời, về mặt hình thức của di chúc được quy định cụ thể tại Điều 627 Bộ luật dân sự năm 2015, di chúc có thể được thể hiện dưới hình thức là văn bản, trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc văn bản thì người có di nguyện chia tài sản của mình có thể để lại di chúc miệng.

Điều kiện để di chúc miệng được coi là hợp pháp nêu tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015:

  • Có ít nhất 02 người làm chứng.
  • Ngay sau khi người để lại di chúc thể hiện di chúc miệng thì người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên/điểm chỉ vào văn bản ghi lại di chúc miệng này.
  • Trong 05 ngày làm việc, chữ ký/điểm chỉ của người làm chứng trên bản ghi chép này phải được công chứng hoặc chứng thực.

Theo khoản 2 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ

Thừa kế theo quy định pháp luật

Căn cứ theo quy định tại Điều 649 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì thừa kế theo pháp luật được hiểu là thừa kế theo hàng thừa kế 

Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:

-     Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

-     Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

-     Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, những cá nhân có tài sản, sau khi chết đi nếu không có di chúc thì số tài sản còn lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, năng lực pháp luật. Người thừa kế cùng chung một hàng thừa kế có quyền bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, đồng thời thực hiện những nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện được trong phạm vi di sản nhận.

2. Trường hợp không được dành một phần di sản để thờ cúng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Quy định này để bảo vệ quyền lợi cho người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di chúc, khi di sản còn lại chưa đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại.

Thờ cúng là một nếp sống văn hoá lâu đời của nhân dân ta, thể hiện lòng tôn kính đối với người đã chết để ghi nhớ công ơn của họ. Vì vậy, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các truyền thống tốt đẹp đó, cho phép cá nhân dành một phần tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng. Phần tài sản này không coi là di sản thừa kế.

Di sản dùng vào việc thờ cúng được để lại theo ý nguyện của người lập di chúc, di sản này không chia mà được giao cho một người quản lí. Di sản này có thể là một tài sản cụ thể (cây lâu năm, nhà ở...). Nếu là tài sản hoặc cây lâu năm, người quản lí có quyền thu hoa lợi, lợi tức và dùng nó để thực hiện việc thờ cúng. Người quản lí không được sử dụng vào mục đích của riêng mình. Không có quyền định đoạt di sản này.

3. Có được chia thừa kế di sản dùng vào việc thờ cúng?

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định rõ: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế.

4. Di sản dùng vào việc thờ cúng do ai quản lý?

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người quản lý tài sản thờ cúng như sau:

- Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng;

Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

- Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

- Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

5. Tư vấn hỗ trợ từ GNha

Để biết thêm chi tiết về việc chia thừa kế  hoặc mong muốn được hỗ trợ những vấn đề liên quan đến pháp lý mà bạn đang gặp phải, vui lòng liên hệ hệ Gnha đối tác đáng tin cậy của chúng tôi thông qua hotline: 1900588857 hoặc website Gnha.vn để nhận sự tư vấn và hỗ trợ chi tiết.

Tags:
DANH MỤC (9)
LIÊN QUAN Xem tất cả